Hội thảo trù bị xây dựng Chiến lược và định hướng phát triển Ngành Cơ học giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn 2030 đã được tổ chức sáng ngày 15/01/2011 tại Viện Cơ học, 264, Đội Cấn, Hà Nội.

Hội thảo trù bị xây dựng Chiến lược và định hướng phát triển Ngành Cơ học giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn 2030 đã được tổ chức sáng ngày 15/01/2011 tại Viện Cơ học, 264, Đội Cấn, Hà Nội. Đến dự có Ông Trần Việt Hùng, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội KHKTVN, Ông Dương Ngọc Hải, Phó Chủ tịch Viện KHCNVN, Toàn thể Thường Vụ BCHTW Hội Cơ học Việt Nam (HCHVN), Lãnh đạo các Hội chuyên ngành và địa phương, các Hội viên tâm huyết với ngành Cơ học cùng toàn thể thành viên Hội đồng Khoa học Viện Cơ học.

Sau nghe Chủ tịch Hội Cơ học Việt Nam báo cáo dự thảo chiến lược phát triển Ngành Cơ học, các đại biểu đã thảo luận sôi nổi về thực trạng ngành Cơ học Việt Nam, những bức xúc đang kìm hãm sự phát triển của Ngành và những ý tưởng để phát triển ngành Cơ học trong tương lai.

Đầu tiên, Ông Thái Bá Cần, Hiệu trưởng Trường SPKT TPHCM đồng thời là Phó Chủ tịch HCHVN đã đặt vấn đề nhà Cơ học là ai? Có phải là những người kém toán hơn các nhà toán học và yếu kỹ thuật hơn các nhà kỹ thuật? Ông Nguyễn Văn Khang, Chủ tịch Hội Động lực học và Điều khiển lại cho rằng Chúng ta, các nhà cơ học giỏi toán hơn các nhà kỹ thuật và hiểu kỹ thuật hơn các nhà Toán học. Cả hai quan điểm này đã trở nên sáng tỏ hơn khi Ông Đỗ Sanh, Phó Chủ tịch thường trực HCHVN đưa ra quan điểm Cơ học chính là nền tảng toán học của kỹ thuật và là cầu nối giữa Toán học với Kỹ thuật. Như vậy, để nhận dạng một cách chính xác nhà cơ học bắt buộc phải định dạng lại ngành Cơ học. Đây thực sự là một nhu cầu cấp bách đặt ra hiện nay và cũng là một nội dung quan trọng của Chiến lược phát triển ngành Cơ học.

Vấn đề tiếp theo của sự thảo luận chính là những bức xúc trong đào tạo các chuyên gia trong lính vực cơ học và giảng dạy cơ học ở các trường đại học hiện nay. Ông Thái Bá Cần cũng báo động tình trạng thiếu hụt cán bộ giảng dạy cơ học trong các trường đại học, được đào tạo bài bản về cơ học; thực tế phải bắt các nhà kỹ thuật làm giáo viên cơ học. Đây là một nguy cơ làm cho ngành cơ học suy yếu dần. Có ý kiến cho rằng cần phải kiến nghị Bộ GDĐT đưa ra quy định để có thể giảng dạy cơ học trong các trường ĐH tối thiểu phải có bằng Thạc sĩ cơ học. Nhưng Ông Nguyễn Đăng Tộ, Trường ĐH Thủy lợi, cho rằng yêu cầu này là không tưởng vì người vào học đại học ngành cơ học còn rất ít thì lấy đâu ra Thạc sỹ cơ học. Hơn nữa các nhà kỹ thuật dù cho có giỏi cơ học thì họ cũng sẽ chỉ làm Thạc sỹ theo ngành kỹ thuật của họ dễ dàng hơn thạc sỹ cơ học. Vì thế, khả thi hơn là Hội Cơ học đứng ra tổ chức các lớp bồi dưỡng cơ học cho các nhà kỹ thuật để họ có thể giảng dạy cơ học. Đây cũng là một vấn đề cần xem xét và đưa vào chiến lược phát triển ngành cơ học.

Bàn về các giải pháp để phát triển cơ học trong giai đoạn tới, Ông Phạm Đức Chính đưa ra mấy điều kiện như tạo môi trường lành mạnh để phát huy hết khả năng của các nhà cơ học; có cơ chế thu hút cán bộ trẻ và kiều bào ở nước ngoài; thành lập hai trung tâm nghiên cứu mạnh ở Viện Cơ học Hà Nội và ĐHQG TPHCM và 01 công ty hoạt động trong lĩnh vực cơ học. Ông Đỗ Sanh cho rằng cần phải xây dựng các trường phái mạnh về cơ học. Ông Phạm Đức Chính và Ông Đặng Hữu Chung kêu gọi cải tổ mạnh mẽ Hội Cơ học. Trong phần kết luận của mình Chủ tịch Hội Nguyễn Hoa Thịnh đề nghị các cơ sở, cá nhân đề xuất các Dự án thành lập các Trung tâm xuất sắc, các tập thể nghiên cứu và cả các doanh nghiệp cơ học, Hội sẽ ủng hộ và hỗ trợ tối đa để triển khai các dự án.

Đa số các đại biểu tham dự đều đồng ý với những đề xuất về định hướng phát triển ngành cơ học  trong dự thảo chiến lược do Ông Nguyễn Hoa Thịnh, Chủ tịch HCHVN trình bày. Đó là cơ học vật liệu và kết cấu phức tạp; dao động và điều khiển tối ưu các hệ cơ học;các hệ MEMS, NEMS và công nghệ tự động hóa trong sự tích hợp với CNTT và Điện tử; các vấn đề cơ học thủy khí môi trường, khí hậu và năng lượng tái tạo. Đặc biệt, trong báo cáo của Ông Chủ tịch Hội đã nêu rõ các quan điểm chỉ đạo việc xây dựng chiến lược là: Coi nghiên cứu cơ bản là nền tảng để xác định vị trí, vai trò và duy trì sự phát triển lâu dài của cơ học; xây dựng đội ngũ giỏi, tâm huyết với nghề là then chốt; nghiên cứu ứng dụng phải gắn liền với thực tế đất nước, với công nghệ mới; xây dựng và phát triển cơ học trên quan điểm hệ thống trong sự tương tác với các ngành khoa học khác. Mặc dù chưa ra được nghị quyết cụ thể, nhưng dựa trên bản dự thảo chiến lược và các ý kiến đóng góp, ban soạn thảo, do Chủ tịch Hội đề nghị gồm các Ông Nguyễn Hoa Thịnh, Dương Ngọc Hải, Nguyễn Đông Anh, Nguyễn Văn Khang, Nguyễn Tiến Khiêm, sẽ hoàn thiện Chiến lược để trình các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

                                                                                                                

                                                                                                                NTK

Các tin khác
» Hội nghị Cơ học toàn quốc kỷ niệm 45 năm thành lập Viện Cơ học và lễ trao giải thưởng Nguyễn Văn Đạo năm 2024 đã tổ chức thành công
» Thông báo về các phần mềm sử dụng cho kỳ thi Olympic Cơ học toàn quốc năm 2024
» THÔNG BÁO SỐ 2 về HỘI NGHỊ CƠ HỌC TOÀN QUỐC KỶ NIỆM 45 NĂM THÀNH LẬP VIỆN CƠ HỌC
» THÔNG BÁO SỐ 1 về Kỳ thi Olympic Cơ học toàn quốc lần thứ 34 (2024)
» Thông báo xét tặng Giải thưởng Nguyễn Văn Đạo năm 2023