Sáng ngày 21/4/2018, Trường Đại học Xây dựng (ĐHXD) đã phối hợp với Hội Cơ học Việt Nam tổ chức Hội thảo “Giảng dạy cơ học trong các trường đại học Việt Nam”. Hội thảo được tổ chức nhân dịp kỷ niệm lần thứ 30 cuộc thi Olympic Cơ học toàn quốc và kỷ niệm lần thứ 80 ngày sinh của GS.VS Nguyễn Văn Đạo – một nhà khoa học giáo dục luôn đau đáu với sự nghiệp phát triển giáo dục.
Tham dự hội thảo, về phía Hội Cơ học Việt Nam có: PGS.TS Nguyễn Đăng Tộ - Phó Chủ tịch Hội ; GS.TS Đinh Văn Phong – Phó Chủ tịch Hội; GS.TSKH Đỗ Sanh Nguyên – Chủ tịch thường trực Hội. Về phía khách mời có: PGS.TS Trần Văn Tớp – Phó Hiệu trưởng Trường ĐHBK Hà Nội; GS.TS Nguyễn Trung Việt – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thủy lợi; PGS.TS Nguyễn Văn Long – Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học GTVT. Về phía Trường ĐHXD có: PGS.TS Phạm Xuân Anh - Phó Hiệu trưởng Trường ĐHXD và các nhà khoa học, nhà giáo và chuyên gia Cơ học trên cả nước.
Toàn cảnh hội trường
Phát biểu khai mạc buổi lễ, GS.TS Đinh Văn Phong - Phó Chủ tịch Hội Cơ học Việt Nam cho biết, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tạo ra cơ hội và thách thức lớn trong việc đào tạo các kỹ sư, kiến trúc sư. Bên cạnh đó, trong thời gian qua, vấn đề tự chủ của các trường đại học trong môi trường hội nhập đẫn đến nhiều chương trình đào tạo trong các trường phải thay đổi để phù hợp. Hi vọng rằng, thông qua cuộc hội thảo, các nhà khoa học, các giảng viên và các nhà quản lý ở các trường đại học chia sẻ thông tin về việc giảng dạy môn Cơ học trong các trường Đại học ở Việt Nam và trên thế giới, để từ đó có thể ưu tiên, sắp xếp lại chương trình giảng dạy cho hợp lý, đáp ứng được nhu cầu của xã hội.
GS.TS Đinh Văn Phong - Phó Chủ tịch Hội Cơ học Việt Nam phát biểu khai mạc hội thảo
Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Phạm Xuân Anh – Phó Hiệu trưởng Trường ĐHXD nhấn mạnh, đối với các trường Đại học đào tạo khối Kỹ thuật, việc giảng dạy các môn Cơ sở nói chung, đặc biệt là các môn Cơ học có ảnh hưởng, tác động trực tiếp đến việc đào tạo, truyền tải, khả năng hấp thụ kiến thức ngành, chuyên ngành của sinh viên. Có thể nói, chất lượng giảng dạy các môn Cơ học là một thành tố cơ sở, nền móng trong chuỗi các kiến thức cốt lõi, quyết định tới chất lượng của kỹ sư ra trường. Hội thảo là cơ hội quý giá để các thầy cô giáo, các nhà khoa học, các nhà quản lý chuyên môn cùng trao đổi, nghiên cứu và thảo luận nhằm khởi xướng, đề xuất những ý tưởng, giải pháp mới đối với hoạt động giảng dạy Cơ học phù hợp với điều kiện thực tiễn trong xu hướng phát triển, hội nhập của giáo dục Đại học.
PGS.TS Phạm Xuân Anh – Phó Hiệu trưởng Trường ĐHXD phát biểu tại hội thảo
Vấn đề đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm đáp ứng yêu cầu cho cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang là vấ đề bức thiết đối với nền giáo dục Việt Nam. Bên cạnh đó, việc đổi mới đào tạo đại học theo tiêu chí hội nhập thế giới càng có tính thời sự và cấp thiết.
Cơ học là mảng kiến thức quan trọng không những chiếm một tỷ lệ khá lớn về thời lượng mà còn là mảng kiến thức nền tảng, tạo nên tiềm lực tư duy cho các kỹ sư tương lai. Để đáp ứng yêu cầu này, Hội Cơ học Việt Nam phối hợp với Trường ĐHXD tổ chức Hội thảo nhằm nâng cao hiệu quả của việc giảng dạy các môn Cơ học trong việc xây dựng tiềm năng cho đội ngũ các kỹ sư tương lai.
Hội thảo nhằm tìm hiểu chức năng và vị trí các môn Cơ học trong các hệ thống đào tạo các nước trên thế giới và trong các trường đại học Việt Nam; Trao đổi một số vấn đề về giảng dạy các môn Cơ học trong các trường Đại học Việt Nam nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; Đề xuất một số phương án đào tạo, cải tiến chương trình và phương pháp giảng dạy các môn Cơ học trong các trường Đại học của Việt Nam.
Các đại biểu tham dự hội thảo chụp ảnh lưu niệm
Trang Ninh – ĐHXD