HỘI NGHỊ CƠ HỌC TOÀN QUỐC KỶ NIỆM 45 NĂM THÀNH LẬP VIỆN CƠ HỌC VÀ LỄ TRAO GIẢI THƯỞNG NGUYỄN VĂN ĐẠO NĂM 2024 ĐÃ TỔ CHỨC THÀNH CÔNG
Được sự đồng ý của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, nhân dịp kỷ niệm 45 năm thành lập Viện Cơ học, Viện Cơ học phối hợp với Hội Cơ học Việt Nam và Trung tâm Vật lý Quốc tế đã tổ chức thành công Hội nghị Cơ học toàn quốc kỷ niệm 45 năm thành lập Viện Cơ học. Hội nghị diễn ra vào ngày 09/04/2024 tại Viện Cơ học, 264 Đội Cấn, quận Ba Đình, Hà Nội.
Tham dự hội nghị có GS.VS. Đặng Vũ Minh – Chủ tịch danh dự Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, GS.TSKH Nguyễn Tiến Khiêm – Chủ tịch Hội Cơ học Việt Nam, TS. Trần Thanh Hải, Viện trưởng Viện Cơ học, PGS.TS. Đinh Văn Trung, Viện trưởng Viện Vật lý, GS.TSKH Nguyễn Đông Anh – Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành Cơ học cùng với gần 350 các nhà nghiên cứu và giảng dạy tại các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp, ... trong cả nước.
Sau diễn văn khai mạc Hội nghị của GS.TSKH. Nguyễn Tiến Khiêm, Chủ tịch Hội Cơ học Việt Nam, tại phiên họp toàn thể, GS.TS Nguyễn Việt Khoa, phó Viện trưởng Viện Cơ học, đã trình bày báo cáo về các thành tựu khoa học công nghệ của Viện Cơ học trong 5 năm vừa qua (2019-2024), Tại phiên toàn thể, Hội nghị cũng nghe 2 báo cáo mời của 2 ứng viên được Giải thưởng tài năng cơ học trẻ Nguyễn Văn Đạo năm 2024 là “Tính lưu biến và các đặc tính cơ lý của vật liệu rời rạc” của PGS.TS. Võ Thành Trung (Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng và “Size-dependent models for micro/nanoplates” của TS. Phùng Văn Phúc (Trường Đại học Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh).
Cũng tại phiên toàn thể, Hội đồng và Ban điều hành quỹ Nguyễn Văn Đạo đã thực hiện buổi lễ trao giải thưởng Nguyễn Văn Đạo cho 2 ứng viên.
Hội nghị lần này có hơn 210 báo cáo khoa học được trình bày tại 35 tiểu ban, trong đó phần lớn là báo cáo khoa học của các cán bộ trẻ tập trung vào giải quyết các khía cạnh mới mang tính thời sự của Cơ học như Cơ học vật rắn biến dạng; Động lực học và điều khiển; Cơ học tính toán – Trí tuệ nhân tạo; Cơ học thủy khí; Cơ học máy; Cơ học đất, đá và môi trường rời. Đặc biệt tại tiểu ban Lịch sử cơ học đã có rất nhiều các tư liệu quý về lịch sử ngành cơ học Việt Nam được trình bày, giúp cho việc soạn thảo tài liệu về Lịch sử ngành Cơ học Việt Nam. Các báo cáo khoa học tại hội nghị được chọn in trong Số đặc biệt của Tạp chí Cơ học Việt Nam và trong Tuyển tập Công trình khoa học của Hội nghị.
Hình ảnh Hội nghị khoa học được lưu tại:
https://1drv.ms/f/s!ArZL0ZB7XFjohrsRV7X5Om4gKQkRKA?e=NevZDM
Tuyển tập CTKH Hội nghị được lưu tại
Bìa và Mục lục Tập 1: /media/upload/editor/files/Bia%20%2B%20Muc%20luc%20Tap%201.pdf
Bìa và Mục lục Tập 2: /media/upload/editor/files/Bia%20%2B%20Muc%20luc%20Tap%202.pdf