Ngày 10/11, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị Thực hiện chiến lược phát triển KH&CN Việt Nam giai đoạn 2001-2010, đánh giá kết quả hoạt động KH&CN năm 2006-2010 và phương hướng nhiệm vụ năm 2011-2015. Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Bộ trưởng Bộ KH&CN Hoàng Văn Phong, Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội Đặng Vũ Minh, Chủ tịch Hội đồng KH&CN quốc gia Đỗ Trung Tá đã chủ trì Hội nghị.

Chấn hưng nền khoa học

11/11/2010 22:26 GMT+7

 

Ngày 10/11, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị Thực hiện chiến lược phát triển KH&CN Việt Nam giai đoạn 2001-2010, đánh giá kết quả hoạt động KH&CN năm 2006-2010 và phương hướng nhiệm vụ năm 2011-2015. Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Bộ trưởng Bộ KH&CN Hoàng Văn Phong, Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội Đặng Vũ Minh, Chủ tịch Hội đồng KH&CN quốc gia Đỗ Trung Tá đã chủ trì Hội nghị.

Chấn hưng nền khoa học

Từ 2001-2010 là thời gian ngành KHCN có đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Lĩnh vực Nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn đã có những đề xuất quan trọng phục vụ cho quá trình đổi mới, đóng góp quan trong nhận thức về quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với tiến bộ và công bằng xã hội.

Lĩnh vực Nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng trong khoa học tự nhiên đã có những chuyển biến tích cực về chất lượng

Với cơ chế quản lý được đổi mới mạnh mẽ thông qua Quỹ Phát triển KH&CN Quốc gia, các nhà khoa học đã được tạo điều kiện thuận lợi để tập trung vào nghiên cứu cơ bản ở một số lĩnh vực mà Việt Nam có thế mạnh như: toán học, vật lý, hóa học, khoa học sự sống, khoa học về Trái đất. Hơn 1.045 bài báo được công bố trên các Tạp chí khoa học chuyên ngành quốc tế, 2.810 bài báo công bố trên tạp chí quốc gia, 1.163 báo cáo tại các hội nghị khoa học quốc tế, 2.237 báo cáo tại các hội nghị khoa học quốc gia, xuất bản 133 sách chuyên khảo góp phần đào tạo, 1.304 Thạc sỹ và 548 tiến sỹ. Riêng ngành Toán đã công bố 360 công trình, ngành Vật lý công bố 322 bài báo trên tạp chí quốc tế có uy tín.

Với phương châm lấy hiệu quả làm tiêu chí, lấy năng lực cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa và chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế làm mục tiêu, Bộ Khoa học và Công nghệ đã hướng dẫn và yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương phải bảo đảm khoảng 70%  nhiệm vụ có kết quả được đưa vào ứng dụng ở các mức độ khác nhau. Riêng đối với các Chương trình trọng điểm cấp nhà nước về công nghệ phải bảo đảm có ít nhất 30% nhiệm vụ được hoàn thiện công nghệ, 20% nhiệm vụ có sản phẩm được thương mại hóa. Do đó, đã có sự gia tăng mạnh mẽ về các công trình được công bố, trong đó công bố quốc tế tăng 30,4%  so với giai đoạn 2003-2005.        

Trong các lĩnh vực đã hình thành nhiều nhóm nghiên cứu mạnh, được xếp hạng cao trong xếp hạng của Thế giới (nghiên cứu về tối ưu xếp thứ 19 trong xếp hạng của thế giới và đứng đầu trong khối ASEAN; nghiên cứu về vật lý đứng thứ 64 trong xếp hạng của thế giới và thứ 3 trong khối ASEAN...)

Các nghiên cứu toàn diện về Biển Đông đã cung cấp các luận cứ lịch sử và pháp lý về quyền chủ quyền của Việt Nam đối với các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Nghiên cứu về tài nguyên, môi trường đã làm rõ xu thế, nguyên nhân biến đổi tài nguyên thiên nhiên, diễn biến môi trường tại một số vùng kinh tế trọng điểm, đề xuất được các giải pháp quản lý tổng hợp, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, phục vụ quy hoạch bảo vệ môi trường; phát triển các công nghệ xử lý và tái chế, tái sử dụng chất thải; xây dựng và nhân rộng các mô hình về sản xuất sạch hơn; hình thành và phát triển ngành công nghiệp môi trường.

Song song với nghiên cứu cơ bản trong khoa học tự nhiên, Bộ KH&CN đã dành quan tâm đặc biệt đến việc tổ chức triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng về nano, điện tử y sinh... nhằm tiếp cận trình độ quốc tế và hỗ trợ quá trình lựa chọn, tiếp thu, làm chủ và cải tiến các công nghệ tiên tiến nhập từ nước ngoài. Nghiên cứu cơ bản trong khoa học xã hội cũng đã chính thức được bắt đầu theo các hướng triết học, kinh tế học, luật học, sử học, khảo cố học, dân tộc học, văn học, ngôn ngữ...

Đánh giá sự phát triển của ngành Khoa học Tự nhiên Việt Nam, Giáo sư Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu khẳng định, mười năm qua có thể xem là thời kỳ chấn hưng của nền khoa học Việt Nam. Kinh phí đầu tư cho nghiên cứu khoa học cơ bản liên tục tăng, mức tăng cao hơn mức đầu tư cho các ngành khoa học khác. Việc đổi mới cơ chế quản lý KHCN là một quyết định chiến lược, tạo đà cho khoa học cơ bản tiến rất nhanh.

Đóng góp nhiều mặt cho nền kinh tế

Kết quả hoạt động KH&CN điển hình của một số Bộ, ngành, địa phương đã có tác dụng nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa, góp phần bảo đảm quốc phòng và an ninh

Trong công nghiệp, trình độ công nghệ đã có những tiến bộ vượt bậc. Ngành Cơ khí chế tạo máy đã làm chủ được các công nghệ CAD, CAM, CNC trong thiết kế chế tạo các loại máy công cụ như: máy phay CNC 3 trục (VMC65), 5 trục, máy tiện, máy dập... đa chức năng, tiêu thụ trong nước và bước đầu xuất khẩu với giái trị gần 1.000 tỷ đồng.

Ngành đóng tàu sau 15 năm đã rút ngắn khoảng cách lạc hậu so với Thế giới từ 70-80 năm xuống còn 20-30 năm, hiện được đánh giá xếp thứ 5 Thế giới về năng lực đóng mới. Việc hoàn toàn làm chủ được thiết kế và công nghệ chế tạo cơ khí thủy công áp dụng trong ngành thủy lợi, công nghiệp và an ninh, quốc phòng đã đem lại doanh thu hàng ngàn tỷ đồng; ngành điện lực đã có khả năng thiết kế và chế tạo máy biến áp công suất đến 220kW-250 MVA đạt tiêu chuẩn châu Âu, ngành cơ khí đã có khả năng nghiên cứu, thiết kế, chế tạo thiết bị của các nhà máy xi măng công suất trên 1,4 triệu tấn/năm với tỷ lệ nội địa hóa đạt trên 70%.

Xí nghiệp cơ khí Quang Trung Ninh Bình đã có đủ năng lực nghiên cứu, thiết kế, chế tạo nhóm thiết bị nâng hạ siêu trường, siêu trọng với tỷ lệ nội địa hóa đạt 90%, giá thành chỉ bằng 70% so với nhập khẩu. Công nghệ bê tông đầm lăn, hệ thống thiết bị cơ khí thủy công, hệ thống đặt các cánh van của công trình (đập tràn, cửa nhận nước, cửa chắn rác), cẩu trục 1.200 tấn để lắp đặt các tuốc bin được đưa vào công trình thủy điện Sơn La đã giúp cho việc phát điện sớm hơn 2 năm, làm lợi trên 20.000 tỷ đồng.

Trong khai thác than, việc đầu tư đổi mới công nghệ đã góp phần tăng sản lượng khai thác bình quân 14%/năm, tỷ lệ cơ giới hóa trong khai thác hầm lò đã tăng vượt bậc từ 10% đến 80% trong vòng 6 năm. Chất nhũ tương nền dùng chế tạo thuốc nổ là công nghệ hoàn toàn mới, lần đầu tiên được nghiên cứu thành công ở Việt Nam với chất lượng sản phẩm tương đương cùng loại của các nước tiên tiến, làm lợi hàng nghìn tỷ đồng.

Trong khai thác dầu khí, nhiều kết quả nghiên cứu đã được ứng dụng vào sản xuất và phục vụ trực tiếp cho công tác quản lý, điều hành của ngành như: công nghệ khoan ngang, bơm ép nước duy trì áp suất vỉa, dùng đồng vị phóng xạ để nâng cao hệ số thu hồi dầu và tăng sản lượng dầu, nghiên cứu thiết kế chế tạo giàn khoan tự nâng 60m nước.

Trong nông nghiệp, nhiều năm qua, Việt Nam luôn duy trì bảo đảm an ninh lương thực trong nước và đứng thứ 2 Thế giới về xuất khẩu gạo, thứ 2 về xuất khẩu cà phê, thứ 4 về xuất khẩu cao su, đúng đầu về xuất khẩu điều, hồ tiêu. Sản lượng xuất khẩu thủy sản đạt giá trị 4,26 tỷ USD (2009). Tổng giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm 2009 đạt 15.2 tỷ USD. Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế thì tiến bộ kỹ thuật trong nông nghiệp đã tạo ra tới 30% giá trị gia tăng trong tăng trưởng nông nghiệp.

170 giống lúa, hàng chục giống ngô và giống cây lương thực khác (khoai lang, sắn...) đã được nghiên cứu và tuyển chọn. Nhờ vậy, trên 80% diện tích lúa, trên 90% diện tích ngô, gần 100% diện tích cao su, 40-50% diện tích lạc, 50-60% diện tích đậu tương, trên 60% diện tích mía, trên 90% diện tích bông, 30% diện tích chè đã được trồng bằng giống mới. Các tiến bộ kỹ thuật về bảo vệ thực vật, kỹ thuật canh tác... đã được ứng dụng toàn diện trong sản xuất các loại cây lương thực, góp phần quyết định làm tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả đối với cây lương thực và một số cây công nghiệp.

Nhiều tiến bộ kỹ thuật trong trồng rừng và nhân nhanh giống cây lâm nghiệp bằng nuôi cấy mô tế bào và giâm hom, sử dụng chế phẩm sinh học trong bảo vệ thực vật đã được ứng dụng rộng rãi.

Đến nay, hầu hết các loại thuốc thông thường, nhiều loại vacxin cho gia súc, gia cầm được sản xuất trong nước (vacxin phòng bệnh tiêu chảy, dịch tả ở lợn; viêm gan vịt). Một số vacxin quan trọng như cúm A/H5N1, lở mồm long móng cũng đang được nghiên cứu sản xuất.

Trong lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng cho thông tin, truyền thông, Việt Nam đã tiếp nhận và vận hành, khai thác có hiệu quả vệ tinh VINASAT 1 và đang nghiên cứu, chuẩn bị phóng vệ tinh VINASAT 2 vào năm 2012. Công tác nghiên cứu chế tạo vệ tinh nhỏ cũng bước đầu được triển khai.

2011-2015: tiếp tục  hướng nghiên cứu ứng dụng

Đẩy mạnh hoạt động ứng dụng và chuyển giao công nghệ phục vụ trực tiếp cho tiến trình CNH-HĐH đất nước là nhiệm vụ quan trọng được đặt ra trong giai đoạn tới. Tiếp nhận chuyển giao công nghệ tiên tiến, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, nghiên cứu làm chủ các công nghệ then chốt, hướng vào việc tiết kiệm nguyên liệu, năng lượng, nâng cao giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của sản phẩm, góp phần tạo động lực cho tăng trưởng; Ưu tiên cho nghiên cứu, ứng dụng KH&CN trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp nông thôn (trước hết là giống, công nghệ sau thu hoạch, chế biến, bảo quản...) nhằm hình thành nền nông nghiệp hàng hóa có chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh cao là những nhiệm vụ được tập trung.

Chiến lược khoa học tiếp tục ưu tiên cho các nhiệm vụ phát triển công nghệ có khả năng ứng dụng rộng rãi trong nền kinh tế và tạo được bí quyết công nghệ, đáp ứng các tiêu chuẩn bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.

Đánh giá cao thành tựu KHCN đạt được trong một thập kỷ qua, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, nhiệm vụ trong thời gian tới là cần có chiến lược rõ ràng về doanh nghiệp KHCN, xây dựng những doanh nghiệp đầu đàn, từ đó hình thành mạng lưới liên kết   khoa học- doanh nghiệp và thị trường

Tất cả những ý kiến từ các nhà khoa học, các doanh nghiệp khoa học và các đại biểu sẽ là cơ sở để xây dựng chiến lược phát triển KHCN trong giai đoạn 10 năm tới.

QG

Các tin khác
» Thông báo xét tặng Giải thưởng Nguyễn Văn Đạo năm 2024
» Kỷ yếu, đề thi và đáp án năm 2024
» Kỷ yếu, đề thi và đáp án năm 2023
» Kỷ yếu, đề thi và đáp án năm 2022
» Kỷ yếu, đề thi và đáp án năm 2019