Năm 2024, nhân dịp kỷ niệm 35 năm Olympic Cơ học toàn quốc, kỳ thi Olympic Cơ học toàn quốc lần thứ 34 được tổ chức tại ba Đại học Bách khoa: Bách khoa Hà Nội, Bách khoa Đà Nẵng và Bách khoa Tp. Hồ Chí Minh

35 năm Olympic Cơ học toàn quốc

Các môn Cơ học là nền tảng và khung cốt của hầu hết các ngành kỹ thuật như cơ khí, cơ điện tử, kỹ thuật robot, hàng không vũ trụ, giao thông, xây dựng, kỹ thuật nông nghiệp, …. Vì vậy, các môn Cơ học có vị trí rất quan trọng trong chương trình đào tạo các ngành kỹ thuật. Bản thân vị trí này không chỉ cần thiết cho chính các môn học Cơ học, mà nó còn củng cố sự hiểu biết cho sinh viên về các môn học quan trọng khác, bao gồm toán học và đồ họa. Ngoài ra, Cơ học còn có chức năng tăng cường rèn luyện cho sinh viên khả năng tư duy phân tích – tổng hợp và kỹ năng giải quyết vấn đề kỹ thuật. Việc tính toán thiết kế máy móc, thiết bị, công trình phục vụ cuộc sống đòi hỏi người kỹ sư phải nắm vững các kiến thức về cơ học.

Nhằm khuyến khích và động viên việc học tập và giảng dạy các môn Cơ học ở các trường đại học, phát hiện sớm những tài năng trẻ về Cơ học, Hội Cơ học Việt Nam đã có sáng kiến cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo đứng ra tổ chức hàng năm thi Olympic Cơ học trong phạm vi toàn quốc. Đây là một kỳ thi Olympic sinh viên đã mang tính toàn quốc ngay từ đầu, được tiến hành theo Điều lệ và quy trình ra đề, chấm thi và định giải thưởng một cách chặt chẽ và minh bạch. Để thuận tiện cho sinh viên dự thi, Olympic Cơ học được tiến hành đồng thời tại ba địa điểm: Bắc – Trung – Nam. Các trường đại học thay phiên nhau đăng cai tổ chức kỳ thi Olympic này. Các bài thi được tập trung về một mối do các Ban giám khảo gồm các nhà khoa học, các thầy giáo, cô giáo có uy tín chấm và định giải theo một quy định thống nhất. Các đề thi và đáp án in trong Kỷ yếu của kỳ thi đã trở thành các tài liệu tham khảo quý giá cho các trường đại học về kỹ thuật và công nghệ. 

Olympic Cơ học toàn quốc đầu tiên được tiến hành vào tháng năm năm 1989 và đến nay đã có 34 kỳ thi được tổ chức thành công. Phong trào ngày càng đi vào nề nếp, nếu như năm đầu tiên Olympic Cơ học toàn quốc 1989 gồm hai môn thi Cơ học lý thuyết và Sức bền vật liệu, thì đến nay Olympic Cơ học toàn quốc đã tăng lên 7 môn gồm 1. Cơ học kỹ thuật, 2. Sức bền vật liệu,  3. Cơ học kết cấu,  4. Thủy lực,  5. Cơ học đất, 6. Nguyên lý máy, 7. Chi tiết máy.  Ngoài ra, nhằm khuyến khích sinh viên sử dụng các công cụ máy tính giải quyết các bài toán cơ học, bên cạnh các môn tự luận cuộc thi còn có các môn ứng dụng tin học trong cơ học. Từ con số khiêm tốn ban đầu với 7 trường tham gia đến nay trong toàn quốc đã có hơn 30 trường tham gia, năm 2023 có tới 36 trường tham gia.

Olympic Cơ học đã cuốn hút được nhiều sinh viên giỏi các trường trong toàn quốc đua tài và đã có tác dụng động viên phong trào học tập trong các trường đại học kỹ thuật. Nhiều trường đã có sáng kiến sử dụng thi Olympic Cơ học làm yếu tố kích thích hoài bão khoa học của sinh viên trường mình. Thông qua Olympic Cơ học toàn quốc, nhiều tài năng trẻ về Cơ học đã được phát hiện và bồi dưỡng để trở thành những nhà khoa học có đóng góp không chỉ cho chuyên ngành cơ học mà còn các lĩnh vực khác nữa. Ở đây có thể kể ra một số cá nhân như vậy. Anh Đỗ Khắc Đức cựu sinh viên của Trường ĐH công nghiệp Thái Nguyên, nay là Đại học Kỹ thuật Công nghiệp Thái Nguyên, thuộc ĐH Thái Nguyên, người đã từng đạt giải ba môn Cơ học lý thuyết năm 1990, nay đã là GS của Trường Kỹ thuật Cơ khí và Xây dựng thuộc Đại học Curtin University (Úc). Các công trình nghiên cứu của GS. Đức tập trung vào các vấn đề điều khiển các vật thể chuyển động trong các môi trường biển và không gian như tàu thủy, tàu ngầm, … Anh Nguyễn Trung Việt cựu sinh viên của Trường Đại học Thủy lợi  người đã hai lần tham gia Olympic cơ học và đã đạt giải nhất môn sức bền vật liệu năm 1996; giải nhì môn Cơ học đất năm 1997 nay đã là GS. TS và đang đảm nhiệm vai trò Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thủy lợi. GS. Việt đã có những đóng góp to lớn cho ngành thủy lợi nói chung và đặc biệt là ngành kỹ thuật xây dựng công trình thủy nói riêng. Các cựu sinh viên của Trường Đại học Hàng hải Việt Nam Nguyễn Khắc Khiêm đã từng đạt giải nhì môn Cơ học lý thuyết các năm 1990, 1991 và Nguyễn Minh Đức đạt giải nhất môn Nguyên lý máy năm 2002, nay đã là các PGS.TS và đảm đương các vị trí quản lý quan trọng như Chủ tịch Hội đồng Trường và Phó hiệu trưởng Trường. Anh Nguyễn Đức Thành, cựu sinh viên hệ kỹ sư tài năng ngành vật lý Đại học Bách khoa Hà Nội năm 2007, người đã từng đạt giải nhất môn Cơ lý thuyết năm 2004, nay đã là PGS của Đại học Connecticut (Hoa Kỳ). Anh được bầu vào lớp thành viên cấp cao năm 2024 của Học viện sáng chế Mỹ vì có thành tích xuất sắc trong nghiên cứu. Anh là một trong những "ngôi sao đang lên" tạo ra các công nghệ mới, mang lại tác động đến xã hội. Và còn nhiều sinh viên đạt giải Olympic Cơ học toàn quốc các năm, nay đã là PGS, TS đảm nhiệm các vị trí như trưởng bộ môn, trưởng nhóm nghiên cứu, những người tiếp tục công tác chuyên môn liên quan đến cơ học. 

Năm 2024 này là năm đánh dấu Olympic Cơ học toàn quốc tròn 35 năm với 34 kỳ thi (năm 2020 và 2021 không tổ chức vì Covid 19). Olympic Cơ học toàn quốc lần thứ 34 năm nay, được tổ chức tại ba Đại học Bách khoa (BK Hà Nội, BK Đà Nẵng và BK Tp. Hồ Chí Minh). Kỳ thi được tổ chức cho bẩy môn tự luận và một môn ứng dụng tin học trong cơ học. Tổng số thí sinh dự kỳ thi năm nay là 1154 sinh viên đến từ 35 Đại học, Trường Đại học Kỹ thuật và các Học viện trong toàn quốc, trong đó có 17 trường miền Bắc, 4 trường miền Trung và 14 trường miền Nam. Các con số này cho thấy Olympic Cơ học toàn quốc là niềm đam mê của nhiều em sinh viên.

Tiểu Ban Olympic Cơ học, Ban chấp hành Hội Cơ học Việt Nam

Các tin khác
» 35 năm Olympic Cơ học toàn quốc
» Hội nghị Cơ học toàn quốc kỷ niệm 45 năm thành lập Viện Cơ học và lễ trao giải thưởng Nguyễn Văn Đạo năm 2024 đã tổ chức thành công
» Thông báo về các phần mềm sử dụng cho kỳ thi Olympic Cơ học toàn quốc năm 2024
» THÔNG BÁO SỐ 2 về HỘI NGHỊ CƠ HỌC TOÀN QUỐC KỶ NIỆM 45 NĂM THÀNH LẬP VIỆN CƠ HỌC
» THÔNG BÁO SỐ 1 về Kỳ thi Olympic Cơ học toàn quốc lần thứ 34 (2024)