Ngày 15 tháng 1 năm 2011 tại Hà Nội, Hội Cơ học Việt Nam phối hợp với Viện Khoa học – Công nghệ Việt Nam đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN CƠ HỌC VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 2011-2020 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030”. Gs TSKH Nguyễn Hoa Thịnh, Chủ tịch Hội Cơ học Việt Nam, thay mặt ban soạn thảo đã trình bày bản dự thảo, nhiều ý kiến bổ sung, tham luận đã được trình bày. Chúng tôi xin giới thiệu toàn văn bản dự thảo nói trên để các đồng nghiệp tham khảo và cho ý kiến đóng góp. Xin trân trọng cảm ơn !

Ngày 15 tháng 1 năm 2011 tại Hà Nội, Hội Cơ học Việt Nam phối hợp với Viện Khoa học – Công nghệ Việt Nam đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN CƠ HỌC VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 2011-2020 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030”. Gs TSKH Nguyễn Hoa Thịnh, Chủ tịch Hội Cơ học Việt Nam, thay mặt ban soạn thảo đã trình bày bản dự thảo, nhiều ý kiến bổ sung, tham luận đã được trình bày. Chúng tôi xin giới thiệu toàn văn bản dự thảo nói trên để các đồng nghiệp tham khảo và cho ý kiến đóng góp. Xin trân trọng cảm ơn !

 

CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN CƠ HỌC VIỆT NAM

GIAI ĐOẠN 2011-2020 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030.

 

(DỰ THẢO)

 

          Đất nước ta bước vào thập kỷ thứ 2 của thế kỷ 21 với những vận hội và thời cơ mới, khó khăn và thách thức mới. Cùng với cộng đồng Khoa học và Công nghệ cả nước, giới Cơ học Việt nam nhận thức sứ mệnh của mình là góp phần đưa nền Khoa học và Công nghệ thực sự trở thành nền tảng và động lực thức đẩy sự nghiệp Công nghệp hóa, Hiện đại hóa đất nước và tiến tới nền kinh tế tri thức, vì mục tiêu “Dân giầu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh”. Văn kiện này thể hiện một phần tư tưởng đó bằng những vấn đề cấp bách mà cuộc sống đòi hỏi đới với ngành Cơ học Việt Nam

A. THỰC TRẠNG TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU ỨNG DỤNG VÀ ĐÀO TẠO CƠ HỌC TRONG THỜI GIAN QUA:

 Cùng với các ngành Khoa học cơ bản khác, ngành Cơ học được hình thành và phát triển ở Việt Nam từ rất sớm. Trong những ngày đầu dựng nước và giữ nước, các nhà khoa học hàng đầu của ta lúc bấy giờ như Gs Tạ Quang Bửu, Trần Đại Nghĩa,… Cùng với các nhà khoa học đàn anh khác đã lao vào thực tiễn của cuộc kháng chiến, kết hợp nghiên cứu ứng dụng và triển khai kỹ thuật, đã đưa ra phục vụ kịp thời yêu cầu tác chiến hàng loạt các vũ khí tự chế tạo. Có thể nói, hệ thống các loại vũ khí đặc biệt trong giai đoạn lịch sử đặc biệt này của dân tộc là kết quả của ý chí kiên cường, tích cực sáng tạo vì đại nghĩa của các thế hệ đàn anh và cũng thể hiện những thành tựu ứng dụng Cơ học của chúng ta trên cơ sở tận dụng những kết quả nghiên cứu cơ bản về Cơ học và các ngành khoa học và công nghệ khác của thế giới lúc bấy giờ.

          Sự hình thành và phát triển của ngành Cơ học như là một ngành khoa học hoàn chỉnh là một tất yếu khách quan trong sự nghiệp giáo dục đào tạo và khoa học Công nghệ của nước nhà. Quá trình đó thể hiện qua một số mốc cụ thể như sau:

- Hình thành khoa Toán – Cơ ở Đại học Tổng hợp, Đào tạo cử nhân Toán Cơ phục vụ cho giảng dạy và nghiên cứu Cơ học.

- Sự hình thành và phát triển một hệ thống các nhà trường Đại học Khoa học Công nghệ, trong đó Cơ học là một môn cơ bản trong chương trình Đào tạo và các bộ môn Cơ học ứng dụng gắn với  chuyên ngành như sức bền vật liệu, cơ học kết cấu, cơ học thủy khí, cơ học đất đá và môi trường rời, cơ học máy,…

- Sự ra đời và phát triển của viện Cơ học Việt Nam tập hợp những cán bộ Cơ học, chủ yếu là cán bộ Cơ học trẻ, được đào tạo cơ bản nhằm mục đích tập trung giải quyết những vấn đề Cơ học cơ bản vừa phục vụ cho các hướng Khoa Học – Công nghệ then chốt, vừa vươn tới trình độ cao, đi trước Công nghệ trong nước và tiến kịp trình độ Quốc tế. Cùng với Viện Cơ học Việt Nam, còn có Viện Cơ học ứng dụng Thành phố Hồ Chí Minh, và nhiều Viện Cơ học mang tính ứng dụng cao phục vụ cho Khoa học – Công nghệ, cụ thể thuộc các Bộ, Ban, Ngành, Trường Đại học, Viện nghiên cứu và các địa phương.

- Sự ra đời của Hội Cơ học Việt Nam từ 30 năm nay đã góp phần tập hợp đông đảo các cán bộ Cơ học và liên quan đến cơ học, từ cán bộ công tác trong các nhà trường Đại học, các viện nghiên cứu, các cơ sở sản xuất, cơ quan quản lý, các tổng Công ty, và gần đây có thêm các nhà Cơ học Việt Nam đang công tác ở nước ngoài và các nhà Cơ học Quốc tế là nhân tố rất quan trọng thúc đẩy ngành Cơ học của nước nhà phát triển.

 I. NHỮNG KẾT QUẢ TRONG NGHIÊN CỨU VÀ ỨNG DỤNG CƠ HỌC:

          Thành tựu trong nghiên cứu, ứng dụng Cơ học thời gian qua khá đa dạng, phong phú, trong khoảng 10 năm gần đây có thể kể đến một số kết quả sau đây:

Về Cơ học vật rắn biến dạng:

          - Các bài toán Cơ học có tính đến các yếu tố phi tuyến, vật liệu phi đàn hồi.

          - Cơ học vật liệu Composite.

          - Các phương pháp tính kết cấu công trình với việc ứng dụng những thành tựu của tin học hiện đại..

          Về động lực học và điều khiển:

          - Động lực học các hệ phi tuyến và chuyển động hỗn độn.

          - Động lực học Công trình – Dao động và điều khiển hệ nhiều vật.

          - Động lực học các hệ cơ điện tử.

          Về Cơ học máy:

          Có các kết quả nghiên cứu trên các hướng: Động lực học máy, chẩn đoán máy, thiết kế chế tạo máy, đặc biệt trong thời gian gần đây là việc nghiên cứu thiết kế các robot chuyên dụng.

          Về Cơ học chất lỏng chất khí:

          Có các kết quả nghiên cứu trên các hướng.

          - Cơ học chất lỏng trong nghiên cứu biển và môi trường biển.

          - Cơ học chất lỏng trong nghiên cứu về nước và phòng chống lũ lụt, bảo vệ môi trường.

          - Cơ học thủy khí Công nghiệp.

          - Cơ học thủy khí khí cụ bay.

          Về Cơ học đá và môi trường rời:

          Đã tập trung nghiên cứu cách giải quyết các vấn đề sau:

          - Đánh giá các đặc điểm, tính chất của vật liệu đá và đá khối.

          - Phân tích các quá trình xảy ra trong khối đá khi có tác dụng của con người.

          - Nghiên cứu quá trình phá hủy đá.

          - Nghiên cứu sử dụng đá như vật liệu công trình.

          Cùng với các kết quả nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu cơ bản có định hướng ứng dụng như trên đã nêu, chúng ta cũng đã có một số kết quả trong giải quyết các vấn đề thực tiễn trên các lĩnh vực kỹ thuật, Công trình, Cơ khí và sử dụng nguồn nước, phòng chống lũ lụt, bảo vệ môi trường.

Nhiều cán bộ ngành Cơ học trong 2 năm qua đặc biệt là các tiến sĩ, trẻ tuổi 30-40, đăng ký tham gia và chủ trì các đề tài nghiên cứu cơ bản về Cơ học thuộc Quỹ phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia (NAFOSTED), và chúng ta hy vọng sẽ tạo được bước đột phá mới trong nghiên cứu cơ bản với yêu cầu phải có công bố Quốc tế ISI, làm cho nền Cơ học của chúng ta nói riêng, và các ngành khoa học cơ bản khác, gần hơn với trình độ nghiên cứu ở các nước phát triển.

II. VỀ GIẢNG DẠY CƠ HỌC VÀ ĐÀO TẠO CÁN BỘ:

          Trong những điều kiện hết sức khó khăn, hội Cơ học và đội ngũ Cán bộ Cơ học đã có nhiều cố gắng trong công tác đào tạo, đưa ra nhiều khuyến nghị với Bộ Giáo dục và đào tạo, các trường Đại học, các cơ quan hữu quan nhằm bảo đảm tính thống nhất, chuẩn mực, hiện đại trong giảng dạy Cơ học. Các kỳ thi Olimpic Cơ học, quỹ khuyến Văn Đạo về Cơ học đã phản ánh sự quan tâm của Hội và các trường Đại học đối với việc khuyến khích các tài năng Cơ học trẻ, nhiều người trong số đó đã trở thành những cán bộ tốt ở nhiều ngành, có người đã trở thành cán bộ khoa học có trình độ cao, công tác đào tạo sau đại học ngành Cơ học được đẩy mạnh…

IIIVỀ HỢP TÁC QUỐC TẾ:

          Thời gian qua, đặc biệt là những năm gần đây, hợp tác Quốc tế đã được đẩy mạnh. Viện Cơ học Việt Nam, Hội và các Hội chuyên ngành, các trường Đại học,… đã chủ động trong việc tìm kiếm các đối tác với các nước để trao đổi, hợp tác. Ngoài việc duy trì quan hệ hợp tác với các nước đã có truyền thống như Nga, Ucraina, Belarus, Đức, Cộng hòa Sec,… chúng ta đã mở rộng quan hệ hợp tác với Hoa kỳ, Pháp, Nhật, Trung Quốc, Hàn Quốc, Australia,… Đã tổ chức nhiều Hội nghị, Hội thảo tạo điều kiện cho cán bộ khoa học nắm bắt được những vấn đề mới và nhận được sự giúp đỡ của các nước tiên tiến, nhiều cán bộ đã được gửi đi trao đổi và đào tạo. Việc cán bộ trẻ đi đào tạo ở các nước tiên tiến được khuyến khích.

          Chất lượng Tạp chí Cơ học được nâng cao, đã chuyển sang xuất bản bằng tiếng Anh để tăng cường khả năng trao đổi Quốc tế, thành phần Hội đồng biên tập Tạp chí đã được bổ sung thêm các cán bộ Cơ học trẻ và đặc biệt có thêm các nhà khoa học Quốc tế và người Việt Nam ở nước ngoài. Đương nhiên, so với yêu cầu của Tạp chí khoa học ở tầm Quốc tế, Tạp chí Cơ học của chúng ta còn phải nỗ lực phấn đấu nhiều.

          Ngoài Tạp chí Cơ học hiện nay, có thể nghiên cứu có thêm một Tạp chí của Hội (có thể mang tên “Cơ học và Cơ điện tử”). Đề xuất này cần tiếp tục nghiên cứu, nhưng trước mắt phải nâng cao chất lượng tờ Website, tăng cường trao đổi thông tin về những kết quả nghiên cứu Cơ học.

IV. NHỮNG TỒN TẠI:

          Trên đây chúng ta đã nêu một số kết quả nghiên cứu ứng dụng và đào tạo Cơ học. Để tạo được bước đột phá mạnh mẽ trong nghiên cứu và đào tạo Cơ học ở nước ta, chúng ta cần chỉ ra được những yếu kém và tồn tại, cùng những nguyên nhân của nó và phương hướng khắc phục, nếu không chúng ta sẽ dẫm chân tại chỗ, mà trong giai đoạn hiện nay, là đồng nghĩa với thụt lùi, bị thế giới vượt qua.

          Phải nói rằng, những mục tiêu phát triển trong chiến lược nghiên cứu Cơ học ở nước ta đến năm 2010 là rõ ràng và đúng đắn, đó là:

          - Ưu tiên tiến hành các nghiên cứu cơ bản trong những vấn đề Cơ học nhằm định hướng giải quyết các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước, các vấn đề Cơ học liên quan đến điều kiện tự nhiên, cơ sở cho việc sử dụng hợp lý có hiệu quả và bảo vệ tài nguyên và môi trường ở nước ta, hạn chế những thiệt hại do thiên tai và con người gây ra; các vấn đề Cơ học làm cơ sở cho việc giải quyết những vấn đề cơ bản của kỹ thuât và công nghệ.

          - Tiến hành có chọn lọc một số nghiên cứu cơ bản góp phần vào việc phát triển lý luận chung của Cơ học, bắt kịp khoa học tiên tiến của thế giới trong một số lĩnh vực Cơ học mà ta đã và sẽ có khả năng tổ chức thực hiện, đặc biệt trong các lĩnh vực gắn với đặc thù của ta.

          - Tiến hành các nghiên cứu cơ bản gắn liền với công tác đào tạo, bồi dưỡng các cán bộ Cơ học có trình độ đáp ứng được yêu cầu giải quyết các vấn đề do thực tiễn đất nước đặt ra, góp phần tạo ra nguồn lực KH-CN mới.

          - Phấn đấu xây dựng một số trung tâm hoặc tập thể nghiên cứu cơ bản về Cơ học đạt trình độ ngang tầm khu vực và quốc tế, góp phần vào việc xây dựng và hoàn chỉnh mạng lưới hợp lý các cơ sở nghiên cứu, ứng dụng và đào tạo Cơ học ở nước ta.

          Tiếc rằng Các mục tiêu chiến lược nêu trên chưa được thấm nhuần vào đội ngũ làm Cơ học, không được tổ chức thực hiện bằng những chương trình dự án mang tính khả thi, không được sự quan tâm của các cấp có thẩm quyền,các Trường Đại học, các Viện nghiên cứu, một số nghiên cứu cơ bản đạt được kết quả tốt nhưng chưa được khuyến khích kịp thời, thiếu sự dẫn dắt để có thể tạo dựng được trường phái mạnh. Kết quả nghiên cứu ở các chương trình, đề tài do nhà nước quản lý còn hạn chế ở cả trình độ khoa học và khả năng đưa vào ứng dụng trong thực tiễn,

Các thống kê những năm gần đây cho thấy, chúng ta thua Trung Quốc, Malaisa và Thái Lan cả chục lần so với công bố quốc tế ISI tính theo đầu người, nhất là trên các lĩnh vực ứng dụng. Ngành Cơ học còn dưới cả mức trung bình so với các ngành khác nếu so sánh theo tỷ lệ công bố của từng ngành.

Về lực lượng:

Cơ học Việt Nam đã có cơ sở xuất phát tốt với thế hệ trẻ được lựa chọn có năng lực, được đào tạo từ Trường Đại học Tổng hợp và đặc biệt được đào tạo bài bản ở Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu với sự hình thành Viện Cơ học thuộc Viện KH-CN Việt Nam. Hội Cơ học Việt nam đã tập hợp các nhà Cơ học từ Viện Cơ học, khoa Toán cơ của Đại học Quốc gia, và đông đảo các nhà Cơ học ứng dụng từ các Viện và Đại học kỹ thuật chuyên ngành trong cả nước. Phần lớn các ngành kỹ thuật như Cơ khí, Chế tạo máy, Xây dựng, Giao thông Vận tải, hầm mỏ, thủy lợi, Khí tượng Thủy văn … đều giải quyết các vấn đề Cơ học. Nhưng theo thời gian và sự khó khăn về nhiều mặt, chậm đổi mới về cơ chế. Một số nhà khoa học lớn tuổi hầu như chững lại về chuyên môn không đủ sức dắt dẫn thế hệ trẻ. Ngoài các đề tài nhỏ lẻ vẫn được thực hiện hàng năm, lực lượng trẻ chưa được giao chủ trì những đề tài lớn, bản thân họ chưa xác định được hướng đi rõ ràng về mặt học thuật, tự xây dựng tiềm lực, đủ sức bứt phá vươn lên.

          Công tác Đào tạo cán bộ nghiên cứu cơ bản về Cơ học chưa được đổi mới, nguồn đầu vào phần lớn không phải là học sinh xuất sắc do việc sử dụng sau khi tốt nghiệp không tạo được hấp dẫn, nguồn đào tạo nước ngoài về như trước kia nay không còn nữa. Đa số giáo viên giảng dạy các môn Cơ học ở các trường Đại học kỹ thuật là tốt nghiệp các ngành Đại học kỹ thuật, chưa được tổ chức đào tạo lại để giảng dạy các môn Cơ học một cách bài bản, chính quy, có sự quản lý của Bộ giáo dục và đào tạo.

Về tổ chức và cơ chế:

Trong mấy thập kỷ qua, khoa học và công nghệ thế giới đã có bước đột phá mạnh mẽ, thúc đẩy nền kinh tế tiến vào nền kinh tế tri thức, trong lúc đó tổ chức nghiên cứu của chúng ta chưa có đổi mới gì đáng kể. Gần đây đã có một số thay đổi, và chúng ta hy vọng rằng những sự thay đổi đó cùng với việc hoàn thiện các cơ chế chính sách hiện có sẽ góp phần đắc lực hơn, thúc đẩy nền Khoa học – Công nghệ nước nhà, trong đó cơ ngành Cơ học, phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn mới.

B. ĐỊNH HƯỚNG NGHIÊN CỨU VÀ ỨNG DỤNG CƠ HỌC TRONG GIAI ĐOẠN 2011-2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030:

I. QUAN ĐIỂM:

- Cơ học muốn xác lập vị trí xứng đáng trong hệ thống KH-CN Quốc gia phải rất coi trọng nghiên cứu cơ bản, coi đó là nền tảng cho sự phát triển ngành và đóng góp cho nền KH-CN của đất nước.

- Coi xây dựng đội ngũ cán bộ giảng dạy và nghiên cứu Cơ học là khâu then chốt trong việc xây dựng ngành.

- Ứng dụng Cơ học phải tiếp cận được trình độ hiện đại cả lý thuyết và phương pháp, góp phần thúc đẩy quá trình sáng tạo công nghệ mới.

- Cùng với đổi mới cơ chế, cần mạnh dạn thay đổi tổ chức nghiên cứu và đào tạo Cơ học cho phù hợp với yêu cầu đổi mới hiện nay, khắc phục hiện tượng xơ cứng, không muốn thay đổi, kinh nghiệm chủ nghĩa.

- Cần có quan điểm hệ thống, liên ngành trong nghiên cứu, đào tạo và xây dựng Tổ chức. Ngày nay, Cơ học không thể phát triển đơn độc tách rời các bộ môn khoa học công nghệ khác.

IISỨ MỆNH CỦA NGÀNH CƠ HỌC VIỆT NAM:

Sứ mệnh của ngành Cơ học, cùng với những nhiệm vụ chính mà ngành Cơ học Việt Nam phải thực hiện để thực sự đóng góp phần mình vào việc thúc đẩy sự nghiệp KH-CN của cả nước bao gồm cả nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng cơ học và triển khai kỹ thuật.

          Nghiên cứu cơ bản trong lĩnh vực Cơ học là việc xây dựng những lý thuyết mới, phương pháp mới hay tìm ra những lời giải mới của bài toán chưa giải được của Cơ học. Như vậy, nghiên cứu Cơ học trong Cơ học phải đưa tới một lý thuyết mới, một bài toán Cơ học mới, một phương pháp nghiên cứu mới hay một lời giải mới có tính lý luận và nền tảng cho kỹ thuật và công nghệ. Về nghiên cứu cơ bản trong Cơ học, chúng ta phấn đấu để tiếp cận với trình độ tiên tiến của khu vực và thế giới.

          Nghiên cứu cơ bản trong Cơ học phải đưa ra những kết quả mới về Cơ học, nhưng không nhất thiết phải có nguồn gốc từ kỹ thuật và cũng không yêu cầu phải ứng dụng ngay vào kỹ thuật. Để các kết quả nghiên cứu Cơ bản có thể ứng dụng vào Kỹ thuật, cần phải tiến hành nghiên cứu ứng dụng. Kết quả mới trong nghiên cứu ứng dụng Cơ học không đòi hỏi phải có tính mới về Cơ học như nghiên cứu Cơ bản, nhưng phải là lời giải mới cho một vấn đề kỹ thuật. Như vậy, nghiên cứu ứng dụng Cơ học chính là việc áp dụng Cơ học để giải quyết một vấn để của kỹ thuật. Tuy nhiên việc giải quyết những vấn đề thực tế kỹ thuật nhiều khi đòi hỏi phải xây dựng lý thuyết mới hay phương pháp mới. Khi đó nghiên cứu Cơ bản và nghiên cứu ứng dụng đã hòa quyện vào một và mục tiêu cuối cùng của nghiên cứu Cơ bản đã được thực hiện. Trong một số trường hợp, khi ứng dụng các lý thuyết và phương pháp Cơ học để giải quyết những vấn đề của kỹ thuật, chúng ta đơn giản hóa bài toán bằng các giả thuyết. Đây là một điểm tối của các nghiên cứu ứng dụng mà các nhà nghiên cứu Cơ bản khó chấp nhận. Trong trường hợp này không có cách nào khác là minh chứng bằng học giả thực tế của kỹ thuật.

          Do là một ngành KH-CN đòi hỏi trình độ khoa học cao, lại gắn liền với kỹ thuật và ứng dụng vào trực tiếp kỹ thuật, để xác lập lại vị trí cần có của mình và đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới Đất nước, ngành Cơ học Việt nam phải đảm nhận sứ mạng sau đây:

          - Góp phần đưa nền khoa học Việt Nam lên vị trí hàng dầu của các nước trong khu vực và tiếp cận được nền khoa học tiên tiến trên thế giới.

          - Sự phát triển của Cơ học, kể cả trong nghiên cứu cơ bản, phải được định hướng theo sự đòi hỏi của thực tiễn kỹ thuật và công nghệ, góp phần vào sự nghiệp Công nghệp hóa, Hiện đại hóa Đất nước, đưa nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp vào năm 2020 và tiến tới nền kinh tế tri thức.

IIITẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030:

          - Đưa nền Cơ học nước ta tiến lên trình độ tiên tiến của khu vực Đông Á và đạt trình độ Quốc tế ở các chỉ tiêu chủ yếu nhất, trước hết là số lượng công trình được công bố Quốc tế ISI.

          - Được ứng dụng một cách có hiệu quả trong một số chương trình dự án khoa học – công nghệ trọng điểm của Quốc gia.

          - Có một trung tâm xuất sắc về Cơ học có tầm cỡ Quốc tế.

          Phấn đấu để có một số tập thể và tổ chức Cơ học được dẫn dắt bởi các nhà khoa học trình độ Quốc tế.

 

 

IVĐỊNH HƯỚNG NGHIÊN CỨU CƠ HỌC TRONG THỜI GIAN TỚI:

          Trước khi xác định định hướng nghiên cứu Cơ học trong thời gian tới chúng ta đề cập đến một số vấn đề nóng hổi của thực tế kỹ thuật mang tính toàn cầu, và những định hướng lớn về nghiên cứu khoa học – công nghệ nước ta trong giai đoạn tới.

1. Một số vấn đề kỹ thuật mang tính toàn cầu:

a. Môi trường và khí hậu:

Vấn đề thay đổi khí hậu đang là mối quan tâm và nan giải mang tính toàn cầu, cùng với thiên tai ngày càng khủng khiếp đã và đang đe dọa cuộc sống hiện tại của con người. Viêc bảo vệ môi trường và ứng xử phù hợp.với sự biến đổi khí hậu là vấn đề bức xúc nhất không chỉ cho các nhà khoa học  công nghệ mà cả cho các nhà hoạt động chính trị. Trong khi đó bản chất sâu xa của môi trường và khí hậu chính là sự vận động và thay đổi chủ yếu là của các chất lỏng, chất khí. Thiếu cơ học, vấn đề này khó có thể giải quyết tốt được.

b. Năng lượng:

Thiếu năng lượng đang là một thách thức lớn đối với nhân loại. Sự tranh giành tài nguyên năng lượng đã là những ngòi nổ của chiến tranh. Sự sử dụng lãng phí năng lượng cũng là một yếu tố làm tăng mối nguy cơ thiếu năng lượng. Cơ học có thể đóng góp quan trọng trong việc tìm kiếm, khai thác và tạo ra các nguồn năng lượng, đặc biệt là năng lượng cơ học, để giải quyết vấn đề này. Ngay trong xây dựng và vận hành nhà máy điện hạt nhân cũng có nhiều vấn đề cơ học phải giải quyết.

c. Kỹ thuật tự động hóa:

Ngày nay, đối với hầu hết các máy móc và thiết bị công nghiệp khác, kỹ thuật vi xử lý đã can thiệp rất sâu vào bên trong các thiết bị và các quá trình hoạt động của chúng trong dây chuyền công nghệ. Đồng thời kỹ thuật về máy cũng nhanh chóng phát triển để tiếp thu được, thích nghi được với tính linh hoạt, nhạy bén của kỹ thuật số, kỹ thuật vi xử lý. Đó là sự hội ngộ mang tính thời đại của hai ngành kỹ thuật và đã xúc tiến vượt bậc con đường từ cơ khí hóa đến tự động hóa. Cùng với sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin, Cơ điện tử đã hình thành như một lĩnh vực khoa học công nghệ mũi nhọn và Robotics đã trở thành hạt nhân kích hoạt cho sự phát triển Cơ điện tử và sản xuất công nghiệp.

d. Vấn đề An toàn và sức khỏe con người:

Cùng với các vấn đề nêu trên, cơ học còn có nhiệm vụ đóng góp để phòng ngừa và giải quyết những rủi ro, mất an toàn đối với con người như: dự báo sóng thần, động đất, phát hiện những hỏng hóc và sự cố kỹ thuật trong các máy móc, phương tiện và trang thiết bị hiện đại,…

2. Về nhiệm vụ khoa học – công nghệ chủ yếu trong giai đoạn tới:

Trong báo cáo của Bộ KH-CN tại hội nghị thực hiện “Chiến lược phát triển Khoa học và Công nghệ 2001-2010” đã xác định phương hướng hoạt động KH-CN trong nghiên cứu cơ bản như sau: Quan tâm đúng mức đến phát triển nghiên cứu cơ bản có trọng tâm, trọng điểm, chú trọng nghiên cứu có định hướng ứng dụng phục vụ cho nhu cầu phát triển Kinh tế - Xã hội và các lĩnh vực Việt Nam có thế mạnh. Tiếp tục đầu tư mạnh cho nghiên cứu Khoa học và phát triển Công nghệ phục vụ Quốc phòng, An ninh. Ở đây chỉ nêu một số nhiệm vụ khoa học – công nghệ liên quan trực tiếp đến Cơ học như sau:

a.Về Khoa học tự nhiên:

Tập trung vào các nhiệm vụ nghiên cứu cơ bản các lĩnh vực Việt Nam có thế mạnh trong Toán học, Vật lý, Hóa học, Cơ học, khoa học về Trái đất, khoa học về sự sống. Nâng cao chất lượng các công trình nghiên cứu trong nước và uy tín quốc tế của các tạp chí khoa học quốc gia.

- Tiếp tục triển khai nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng phục vụ cho các công trình, mục tiêu quốc gia và hỗ trợ cho quá trình lựa chọn, tiếp thu, làm chủ và cải tiến các công nghệ tiên tiến nhập từ nước ngoài, tiến tới sáng tạo công nghệ của Việt Nam.

- Nghiên cứu các loại tài nguyên của nước ta, làm cơ sở xây dựng phương án và lựa chọn công nghệ khai thác và bảo vệ có hiệu quả các nguồn tài nguyên. Chú trọng nghiên cứu tiềm năng về đa dạng sinh học và các loại tài nguyên quý đang có nguy cơ cạn kiệt do quá trình khai thác quá mức và do môi trường suy thoái.

- Nghiên cứu phục vụ quản lý, cảnh báo, kiểm soát môi trường, xử lý ô nhiễm môi trường và phòng trành thiên tai do quá trình biến đổi khí hậu gây ra.

- Nghiên cứu về biển phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng, an ninh.

Phấn đấu trên 80% số công trình nghiên cứu cơ bản trong khoa học tự nhiên thực hiện ở quỹ phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia được đăng trên tạp chí khoa học quốc tế hoặc báo cáo tại hội thảo khoa học quốc tế.

b. Về phát triển công nghệ:

Tập trung phát triển có chọn lọc một số công nghệ trọng điểm bao gồm: những công nghệ tiên tiến, có tác động to lớn tới việc hiện đại hóa các ngành kinh tế, kỹ thuật,bảo đảm quốc phòng, an ninh; Tạo điều kiện hình thành và phát triển một số ngành nghề mới, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế; những công nghệ phát huy được lợi thế của nước ta.

Các lĩnh vực nghiên cứu được ưu tiên tập trung trong giai đoạn sắp đến là: công nghệ thông tin – truyền thông, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu tiên tiến, công nghệ cơ khí – chế tạo máy và tự động hóa, năng lượng nguyên tử và các dạng năng lượng mới, công nghệ vũ trụ, công nghệ bảo quản và chế biến nông sản, thực phẩm.

3. Định hướng nhiệm vụ nghiên cứu Cơ học trong thời gian tới

a. Định hướng chung:

Xuất phát những vấn đề Cơ học mang tính toàn cầu và những vấn đề KH-CN chung của đất nước nêu trên, Cơ học Việt Nam cần định hướng phát triển về những vấn đề sau:

1/. Cơ học vật liệu và kết cấu hiện đại: Nghiên cứu Cơ lý tính của vật liệu mới, đặc biệt là các vật liệu Composite độ bền cao, vật liệu biến đổi chức năng phục vụ việc chế tạo các thiết bị tự động hóa, các phương tiện giao thông hiện đại, các công trình xây dựng làm việc trong điều kiện khắc nghiệt của Việt Nam.

2/. Cơ học môi trường và năng lượng: Nghiên cứu những vấn đề của Cơ học chất lỏng, chất khí phục vụ dự báo bão, lũ lụt, nước dâng, sóng thần, sự lan truyền ô nhiễm không khí, nước mặn, nước ngầm và những vấn đề phục vụ khai thác dầu khí, các dạng năng lượng gió, sóng biển…

3/. Cơ học tai biến và hỗn loạn: Phát triển các thành quả đạt được trong lĩnh vực cơ học phi tuyến để nghiên cứu và nhận dạng các mô hình Cơ học phức tạp mang tính hỗn độn, ngẫu nhiên, kỳ dị… Phục vụ cho việc dự báo những tai họa thiên nhiên, và kiểm tra không phá hủy các cấu kiện, thiết bị và các dây chuyền sản xuất.

4/. Phát triển ngành Cơ học máy và Cơ điện tử: Tăng cường nghiên cứu chế tạo máy phục vụ hiện đại hóa Nông nghiệp. Ứng dụng các sản phẩm Công nghệ Cơ điện tử hiện đại (robot, điều khiển số) để tự động hóa các quá trình sản xuất và điều khiển tự động các phương tiện giao thông.

          Nghiên cứu Động lực học các Cơ hệ Micro và các Cơ hệ Nano, tiếp cận các vấn đề Cơ học lượng tử, cơ sở Cơ học của công nghệ Nano.

          Nghiên cứu Cơ học các khí cụ bay có điều khiển. Nghiên cứu một số vấn đề khí động lực học của khí cụ bay, động lực học chuyển động của khí cụ bay có điều khiển, Cơ học kết cấu của khí cụ bay, Cơ học vật liệu mới trong kết cấu khí cụ bay đáp ứng yêu cầu của các chương trình tên lửa và hàng không vũ trụ.

5/. Đẩy mạnh nghiên cứu các vấn đề thuộc Cơ học đá và môi trường rời phục vụ cho các công trình khai thác dầu khí, than… ngành thủy lợi, thủy điện, giao thông, từng bước tiếp cận với lý thuyết và phương pháp thực nghiệm hiện đại, tiên tiến của thế giới.

6/. Cơ học của thế kỷ 21 khác với Cơ học của thế kỷ 19 và thế kỷ 20. Ngày nay Cơ học là một lĩnh vực khoa học liên ngành: Cơ học thuần Lý, Toán học, Điều khiển, Điện tử và có quan hệ mật thiết với kỹ thuật Cơ khí, kỹ thuật Công trình. Vì vậy, cần đề cao vai trò của tin học và thực nghiệm trong nghiên cứu Cơ học. Phương pháp mô phỏng, tính toán số và phương pháp thực nghiệm là những phương pháp để nghiên cứu Cơ học hiện đại và bản thân những phương pháp này cũng là đối tượng nghiên cứu của Cơ học.

7/. Nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng thuộc liên ngành Khoa học và Công nghệ Nano (tham gia chương trình chung của nhà nước).

b. Định hướng nghiên cứu cho các chuyên ngành:

Chuyên ngành Cơ học vật rắn:

          - Các vấn đề của Cơ học vật liệu Composite và tính toán các kết cấu bằng vật liệu composite, Cơ học vật liệu Nano và Micro.

          - Cơ học các môi trường có tính chất phức tạp, phi tuyến hoặc chịu ảnh hưởng của các yếu tố vật lý, hóa học.

          - Động lực học kết cấu và ứng dụng trong chẩn đoán kỹ thuật, tính toán kết cấu công trình tính đến tương tác với môi trường.

          - Cơ học đá và môi trường rời.

          - Các phương pháp tính toán và mô phỏng số trong Cơ học vật rắn biến dạng.

Động lực học và điều khiển:

          Về nghiên cứu lý thuyết:

          - Phát triển các phương pháp số và các phương pháp giải tích gần đúng nghiên cứu dao động và ổn định các hệ phi tuyến

          - Phát triển các phương pháp nghiên cứu điều khiển và tối ưu của các hệ Cơ học phi tuyến.

          - Động lực học hệ nhiều vật hỗn hợp và động lực học các hệ Cơ điện tử

          - Nhận dạng và chẩn đoán các hệ Cơ học.

          - Động lực học các Cơ hệ Micro và các cơ hệ Nano. Trong đó chú ý đến động lực học lượng tử, cơ sở Cơ học của Công nghệ Nano.

          Về nghiên cứu ứng dụng:

          - Động lực học và điều khiển trong giao thông vận tải.

          - Động lực học và điều khiển các công trình xây dựng.

          - Động lực học và điều khiển cơ cấu và máy. Chú ý đến các bài toán về Động lực học ngược và điều khiển robot và máy, các bài toán về chẩn đoán hư hỏng của cơ cấu và máy, nghiên cứu ứng dụng robot dò mìn, robot dưới nước.

          - Động lực học và điều khiển các khí cụ bay, vệ tinh nhân tạo, các con tầu vũ trụ.

Do tính cấp thiết của việc ứng dụng trong kỹ thuật, cần xây dựng chương trình nghiên cứu cấp Nhà nước về “Các vấn đề Cơ học đặc thù của khí Cu bay có điều khiển” để phục vụ thiết thực cho việc thiết kế, chế tạo khí cụ bay có điều khiển phù hợp với nhu cầu quốc phòng , an ninh và kinh tế xã hội gắn kết với các chương trình, đề án Khoa học Công nghệ khác có liên quan, tạo ra sản phẩm được đưa vào trong thực tiễn.

 - Động lực học và điều khiển các hệ Cơ – Sinh học và ứng dụng trong bảo hộ lao động, trong kỹ thuật Y Sinh.

Cơ học máy:

          Cơ học máy là một lĩnh vực Cơ học ứng dụng làm nền tảng cho sự phát triển Kỹ thuật về máy. Những thành tựu của Công nghệ thông tin, Công nghệ vi xử lý, Công nghệ tự động hóa, Công nghệ Cơ điện tử và Công nghệ MEMS, NEMS đã ảnh hưởng sâu sắc vào sự phát triển của ngành chế tạo thiết bị Công nghệ. Sự tích hợp cộng năng các công nghệ Cơ khí, điều khiển điện tử và Công nghệ thông tin (nhiệm vụ trung tâm của Cơ điện tử) có thể tạo ra những bước phát triển sản phẩm mới.

          Như vậy, nhiều vấn đề nghiên cứu của Cơ học máy hiện đại đều bao hàm trong hướng nghiên cứu của Động lực học và điều khiển. Về hướng ứng dụng, Cơ học máy cần lưu ý các vấn đề sau đây:

          - Nghiên cứu khai thác, đổi mới và nâng cao hiệu quả các hệ thống thiết bị sản xuất Công nghiệp.

          - Đổi mới hệ thống Cơ khí chấp hành và áp dụng sáng tạo các thành tựu của Công nghệ thông tin.

          - Nghiên cứu cơ điện tử và Robotics, biến các thành quả nghiên cứu này trở thành hạt nhân kích hoạt cho sự phát triển Công nghiệp hiện đại hóa.

Cơ học chất lỏng và chất khí:

          - Động lực học Sông biển.

          - Cơ học thủy khí môi trường, nghiên cứu lan truyền nồng độ chất ô nhiễm trong môi trường nước và không khí, đánh giá tác động ô nhiễm của các dự án phát triển kinh tế, nghiên cứu xâm nhập mặn, ô nhiễm nước ngầm.

          - Cơ học thủy khí trong nghiên cứu thiên tai và biến đổi khí hậu.

          - Cơ học thủy khí trong nghiên cứu, thiết kế tàu thủy, khí cụ bay. Tương tác chất lỏng công trình.

          - Về phát triển lý thuyết và phương pháp:

          + Cơ học chất lỏng nhiều thành phần, nhiều pha và trao đổi nhiệt chất , Cơ học quá trình cháy, Cơ học chất lỏng phi Newton.

          + Các phương pháp mô phỏng số, toán học và thực nghiệm trong chất lỏng chất khí.

          - Nghiên cứu góp phần giải quyết một số vấn đề thực tiễn cấp bách, sau đây:

          + Các nguồn năng lượng tái tạo : Năng lượng gió, mặt trời, địa nhiệt,…

          + Theo kế hoạch đến năm 2020, nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của nước ta đi vào hoạt động. Vấn đề an toàn nhà máy điện hạt nhân và nhiều vấn đề khác đều có liên quan trực tiếp đến các bài toán cơ học. Trước mắt cần tập trung tìm hiểu các chương chương trình tính toán an toàn lò phản ứng hạt nhân.

          + Tập trung nghiên cứu đánh giá tình hình và tìm hiểu nguyên nhân của ngập lụt bất thường trong thời gian vừa qua.

          + Các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu và các biện pháp ứng phó.

C . ĐÀO TẠO NHÂN LỰC, BỒI DƯỠNG NHÂN TÀI CƠ HỌC:

          Để khắc phục những yếu kém và bất cập trong thời gian qua, khẳng định lại vị thế của nền cơ học trong nền khoa học và công nghệ của đất nước, thì vấn đề cấp bách hiện nay, đồng  thời là cơ bản và lâu dài là đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Cần có một cơ chế chính sách sử dụng tốt nguồn nhân lực đặc biệt là nhân lực tinh hoa với một tư duy hoàn toàn đổi mới, mền dẻo, năng động và hiệu quả                     

          Trước hết cần thống nhất định dạng lại ngành cơ học cả nội dung lẫn hình thức,  nhầm phân  biệt rõ cơ học với toán học, vật lý và các ngành kỹ thuật, thể hiện rõ cơ học là nền tảng cho các ngành kỹ thuật .

           Trên cơ sở đó xác định lại mục tiêu đào tạo cử nhân cơ học và kỹ sư Cơ kỹ thuật nhằm đáp ứng nhu cầu của sự phát triển KH – CN của đất nước và phù hợp với xu thế của nền KH-CN hiện đại của thế giới .

            Sau khi đã xác định rõ mục tiêu của đạo tạo, cần tổ chức lại hệ thống đào tạo tương ứng, tránh chồng chéo, trùng lắp, nghiên cứu lại chương trình sách giáo khoa …và nhất là chuẩn bị một đội ngũ giáo viên có trình độ cao đáp ứng yêu cầu đào tạo sinh viên trở thành những chuyên gia cơ học đích thực.

          Cùng với việc đào tạo các chuyên gia Cơ học, cần hết sức chú ý đến chất lượng giảng dạy các môn Cơ học trong các trường kỹ thuật, chuẩn hóa nội dung chương trình và phương pháp giảng dạy. Hiện nay, đa số các giáo viên giảng dạy Cơ học tại các trường kỹ thuật đều xuất phát có gốc từ kỹ sư các ngành kỹ thuật ứng dụng nhiều Cơ học như Cơ khí, Giao thông vận tải, Xây dựng, Thủy lợi,… Họ cần được bồi dưỡng sâu thêm về kiến thức và phương pháp giảng dạy Cơ học, bằng hình thức tự học kết hợp với các lớp bồi dưỡng theo một chương trình đã được thống nhất để bảo đảm chất lượng.

          Cần có chính sách khuyến khích học sinh giỏi lựa chọn ngành Cơ học để chuẩn bị một lực lượng nghiên cứu cơ bản tốt, có thể đáp ứng sự phát triển nền Cơ học nước nhà cả về lý thuyết và phương pháp, tiếp cận được với trình độ Quốc tế.

          Cần trẻ hóa lực lượng nghiên cứu Cơ học, giao chủ trì các đề tài nghiên cứu cơ bản về Cơ học cho cán bộ trẻ, phát huy tính tự chủ độc lập sáng tạo cử hộ.

          Kết hợp đào tạo trong nước với đào tạo ở nước ngoài. Liên kết với các đối tác mạnh ở nước ngoài, thu hút các chuyên gia nhà khoa học ở nước ngoài (kể cả trí thức Việt nam ở nước ngoài) tham gia vào chương trình đào tạo của nước ta.

          Phấn đấu để 10 – 20 năm tới, chúng ta có một lực lượng nghiên cứu Cơ học mạnh, đủ sức giải quyết những nhiệm vụ do nền khoa học và công nghệ của nước nhà đặt ra và tiếp cận với trình độ Quốc tế theo những tiêu chí cơ bản nhất.

D. ĐẨY MẠNH HỘI NHẬP QUỐC TẾ VỀ CƠ HỌC:

          Liên kết với các đối tác có tiềm lực mạnh của nước ngoài (khối Băc Mỹ, Nga, Cộng đồng Châu Âu, Đông Bắc Á,… ) để đào tạo bồi dưỡng cán bộ Cơ học.

          Mời các chuyên gia nhà khoa học và trí thức Việt Nam ở nước ngoài tham gia các hoạt động của ngành trên lĩnh vực đào tạo, hội nghị hội thảo khoa học Quốc tế.

          Khuyến khích cán bộ khoa học đang công tác ở trong nước hoặc ở nước ngoài tham gia các chương trình nghiên cứu của nước ngoài.

          Mở rộng giao lưu hợp tác với các tổ chức Quốc tế và khu vực (Hội, Hiệp hội) ngành và chuyên ngành như Hiệp hội Cơ lý thuyết và Ứng dụng Quốc tế (IUTAM), khai thác tốt các mối quan hệ, trao đổi thông tin trong nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đào tạo.

          Tìm kiếm khả năng và tạo điều kiện để các Viện nghiên cứu Cơ học hoặc liên quan đến Cơ học Quốc tế có chi nhánh hoặc cơ quan đại diện tại Việt Nam.

V. T�" CHỨC THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC:

          Tổ chức thực hiện những định hướng chiến lược trên đây là một vấn đề lớn, quyết định bởi các cấp có thẩm quyền, ở đây chỉ xin nêu một số ý kiến có tính chất tư vấn và kiến nghị:

1. Viện khoa học và công nghệ Việt Nam, trong đó có Viện Cơ học, là cơ quan khoa học – công nghệ hàng đầu của Quốc gia. Sự thịnh suy của Viện có ý nghĩa rất lớn đối với sự thịnh suy của nền khoa học của đất nước, cần được đổi mới và tăng cường lực lượng, để đáp ứng sự nghiệp Công nghiệp hóa, Hiện đại hóa nước nhà và tiến kịp thời đại.

 Không thành lập Viện mới mà hình thành ngay trong Viện Cơ học hiện nay một Trung tâm Cơ học xuất sắc với một vài hướng chủ đạo (ví dụ: Cơ học Vạt liệu và kết cấu hiện đại, Động lực học và điều khiển) có cơ sở vật chất được đầu tư tốt và lực lượng trẻ, ưu tú được đào tạo trong nước và từ nước ngoài.

          Viện Cơ học ứng dụng Thành phố Hồ Chí Minh phải được xây dụng thành một cơ quan khoa học đầu ngành về Cơ học, đồng thời có những đóng góp đích thực cho ứng dụng Cơ học vào các ngành sản xuất trên một địa bàn hết sức năng động về phát triển kinh tế hiện nay của cả nước.

          Trên cơ sở kế thừa truyền thống và thành tựu đã đạt được trong nhiều năm qua, cần phải bắt dầy xây dựng mới ngành cơ học từ lực lượng trẻ, từ những nhà khoa học được đào tạo trong nước và ở nước ngoài, có thành tích khoa học tốt, có sự chuẩn bị tốt về chuyên môn và khả năng hội nhập, tạo cho họ điều kiện tốt nhất để có cơ hội phát huy năng lực, đưa ngành Cơ học lên vị trí xứng đáng trong nền khoa học và công nghệ đươc đổi mới của nước nhà.

2. Đề nghị Bộ giáo dục và Đào tạo quan tâm đến đào tạo và bồi dưỡng chuyên gia Cơ học, có chính sách thu hút học sinh ưu tú vào học ngành Cơ học, lựa chọn gửi đi đào tạo ngành Cơ học ở các nước tiên tiến (kể cả Đại học và sau Đại học).

          Bộ giáo dục và Đào tạo cần bảo trợ cho Hội Cơ học Việt Nam tổ chức các lớp bồi dưỡng giáo viên giảng dạy Cơ học ở các trường Đại học kỹ thuật, họ phải được cấp chứng chỉ xác nhận bảo đảm yêu cầu giảng dạy Cơ học trước lúc được giao nhiệm vụ.

3. Phát huy tác dụng quỹ NAFOSTED đặc biệt trong việc bồi dưỡng và khuyến khích các cán bộ Cơ học trẻ, với yêu cầu nghiêm túc trong nghiên cứu cơ bản là phải công bố Quốc tế ISI đặc biệt trong giai đoạn hội nhập và phát triển hiện nay.

          Nhà nước cần đầu tư xây dụng một số phòng thí nghiệm trọng điểm cấp nhà nước về Cơ học (ví dụ: Cơ học và Vật liệu mới, Động lực học và Điều khiển,…). Cơ quan chủ trì các phòng thí nghiệm đó cần được xét duyệt theo đúng các tiêu chuẩn quy định của nhà nước.

4. Viện khoa học và Công nghệ Việt Nam phối hợp với Hội Cơ học Việt Nam thành lập Trung tâm hợp tác Quốc tế về Cơ học, trước mắt nhằm tập hợp các chuyên gia Cơ học là người Việt Nam ở nước ngoài và Quốc tế tham gia các hoạt động về khoa học công nghệ, đào tạo, tư vấn thúc đẩy phát triển ngành Cơ học của Việt Nam.

5. Như các Hội ngành khác, Hội Cơ học Việt Nam  hoạt động trong điều kiện hết sức khó khăn (không tiền, không quyền, không có những cơ sở vật chất tối thiểu), sức sống của Hội chủ yếu dựa vào nhiệt tình, trách nhiệm chính trị và hăng say nghề nghiệp của các nhà khoa học. Hiện nay, Liên hiệp các Hội Khoa học – Kỹ thuật Việt Nam, mà Hội Cơ học Việt Nam là một thành viên, được xác định là một tổ chức chính trị - xã hội, do đó vị thế của Liên hiệp Hội và Hội trong xã hội được nâng cao. Hội cần tận dụng thế mạnh đó để phát triển.

          Lãnh đạo của Hội và các Hội chuyên ngành cần được đổi mới theo hướng trẻ hóa, đưa những người trẻ nhiệt tình, có trách nhiệmđối với công việc, tự nguyện dấn thân vào sự nghiệp nghiên cứu và đào tạo Cơ học vào cơ quan Lãnh đạo Hội, và cùng với nó, phương thức hoạt động của Hội cũng cần được đổi mới theo hướng năng động và có hiệu quả hơn. Đề nghị cấp trên và Liên hiệp Hội cấp kinh phí bảo đảm cho 2-3 cán bộ và nhân viên chuyên trách hoạt động cho Hội.

6. Để nhanh chóng, đưa những vấn đề có tính chiến lược nêu trong bản báo cáo này vào thực tiễn hoạt động khoa học công nghệ, viện Khoa học Công nghệ Việt nam và hội Cơ học Việt Nam đề nghị được báo cáo trực tiếp với Chính phú và xin ý kiến chỉ đạo trong thời gian sớm nhất.

         

                                                     TM Ban soạn thảo

 

                                                             Đã Ký

 

                                              GS.TSKH Nguyễn Hoa Thịnh

Các tin khác
» Hội nghị Cơ học toàn quốc kỷ niệm 45 năm thành lập Viện Cơ học và lễ trao giải thưởng Nguyễn Văn Đạo năm 2024 đã tổ chức thành công
» Thông báo về các phần mềm sử dụng cho kỳ thi Olympic Cơ học toàn quốc năm 2024
» THÔNG BÁO SỐ 2 về HỘI NGHỊ CƠ HỌC TOÀN QUỐC KỶ NIỆM 45 NĂM THÀNH LẬP VIỆN CƠ HỌC
» THÔNG BÁO SỐ 1 về Kỳ thi Olympic Cơ học toàn quốc lần thứ 34 (2024)
» Thông báo xét tặng Giải thưởng Nguyễn Văn Đạo năm 2023